Trang

Chào mừng bạn đến với BLOG LUONG MIEN!

30 tháng 4, 2009

Sách giáo khoa nên một hay nhiều bộ...


Bài tham gia Diễn dàn “ Sách giáo khoa nên một hay nhiều bộ”

Trong thời gian học tập ở nước ngoài, tôi  đã thường xuyên  sử dụng các sách giáo khoa (SGK) khác nhau cho cùng một môn học. Những SGK đó  có quyển thì tôi mua, quyển mượn trong thư viện trường và có quyển của bạn bè lớp trên để lại. Dù thời gian xuất bản của các SGK đó rất khác nhau, có thể cách nhau cả chục năm, nhưng vẫn có giá trị sử dụng. Thông thường vào năm (hay kỳ)  học mới, khi bắt đầu môn học nào đó,   giáo viên bộ môn  giới thiệu  một số SGK của các  tác giả khác nhau liên quan đến môn học để học sinh lựa chọn sử dụng. Học sinh sử dụng sách nào và cách nào để có sách là quyền của họ.

 Nội dung,  các cuốn SGK này không có gì khác nhau về hàm lượng kiến thức và khung chương trình. Phần khác nhau chỉ là hình thức trình bày, cách diễn đạt, minh họa để dẫn dắt học sinh nắm bắt được các kiến thức cốt lõi của môn mọc. Tùy trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm từng của tác giả, nên có cuốn trình bày đơn giản, dễ hiểu, văn phong trong sáng; cũng có có cuốn trình bày vấn đề một cách hết sức chi tiết, có tính hàn lâm và có những kiến thức gợi mở, nâng cao gây sự tò mò muốn khám phá của học sinh… 
   
 Như vậy, việc có nhiều bộ SGK và học sinh được quyền chọn SGK để học không phải là điều gì mới mẻ. Để thực hiện được việc này cần có các điều kiện sau đây:
Trước hết, và là điều kiện quan trọng nhất là phải có “ chuẩn kiến thức và chuẩn  chương trình giáo dục phổ thông” thống nhất ở cấp độ quốc gia cho từng môn học, cấp học và bậc học .

 Chuẩn kiến thức là lượng kiến thức phổ thông (general knowledges) tối thiểu mà học sinh phải đạt được đối với từng môn học theo chương trình chuẩn  cho từng cấp học / bậc học. (Ví dụ:  học sinh học xong lớp 1, đối với môn tiếng Việt phải biết đọc, biết viêt; đối với môn toán:  biết đếm và làm các phép tính cộng trừ đến 100…;  ).
 Cần phân biệt rõ “kiến thức phổ thông” với các kiến thức nói chung khác như: kiến thức nâng cao (advanced knowledges), kiến thức chuyên gia (expert knowledges)…  Kiến thức phổ thông của từng lĩnh vực  là những kiến thức cơ bản, đã định hình, cần được phổ cập để mọi người biết để có thể áp dụng ngay trong cuộc sống thường nhật làm cho cuộc sống ngày một tốt hơn  .

 Chương trình phổ thông chuẩn  là số lượng các môn học cần thiết của từng cấp hoc, bậc học và thời lượng  tối thiểu phải học của  từng môn học đó.  (Ví dụ lớp 1 phải học các môn tiếng Việt, làm toán, giáo dục công dân…, mỗi môn trong  niên học phải được dạy và học trong bao nhiêu giờ… ). Phải qui định thời lượng học tối thiểu cho từng môn để có tđủ thời gian cho đa phần học sinh có thể nắm được kiến thức môn học ngay trên lớp. 
      
Chuẩn kiến thức và chương trình học  cho từng môn học, cấp học và bậc phải được các nhà khoa học, các nhà sư phạm có trình độ, tâm huyết và uy tính phối hợp cùng các nhà quản lý giáo dục chuyên nghiệp  xây dựng  trên cơ sở truyền thống văn hóa, thực tiễn chính trị,  kinh tế, xã hội của đất nước trong  giai đoạn từ 10 -20 năm và  phải được Hội đồng giáo dục quốc gia đứng đầu là Thủ tướng (hoăc Phó thủ tướng) Chính phủ xem xét phê chuẩn cho đưa vào sử dụng bằng một văn bản pháp luật (như Nghị định của Chinh phủ)  để thi hành trong phạm vi cả nước.    
       
Chương trình học và chuẩn kiến thức trong SGK là chuẩn quốc gia, chứ không phải là ý muốn chủ quan  của người biên soạn, có tính  pháp qui buộc phải tuân thủ. Điều này giải thích vì sao có những kiến thức đưa vào  SGK dẫn đến  tranh chấp ngoại giao giữa các nước , có khi rất nghiêm trọng,  đặc biệt  là các vấn đề về lịch sử, địa lý, văn hóa… có liên quan tới quốc gia khác (ví dụ như đánh giá về các cuộc xung đột vũ trang, việc vẽ bản đồ lãnh thổ quốc gia …).

Căn cứ chuẩn kiến thức và chương trình thống nhất của môn học , người biên soạn SGK, bằng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sư phạm của mình  sẽ trình bày, dẫn dắt theo những  phương pháp tối ưu nhất giúp cho người học từng bước tiếp cận nội dung môn học, rèn luyện, thực hành… để cuối cùng thu nhận được kiến thức của môn học theo chuẩn để ra.

Trong SGK, phần kiến thức phổ thông  là bắt buộc, song cũng cho phép có phần kiến thức nâng cao (advanced knowlege). Phần kiến thức nâng cao  có tính chất “để tham khảo” (và thường được ghi rõ như thế),  không bắt buộc phải học, phải dạy, phải thi, nhưng phần lớn các tác giả thường cố gắng đưa phần  này vào sách của mình  để tạo sự khác biệt và hấp dẫn những học sinh có năng lực xuất sắc.    
 
Vì SGK biên soạn theo chuẩn kiến thức phổ thông nên tuổi thọ của sách giáo khoa tương đối dài (thường là 10 năm) do đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí  cho xã hội. Trường hợp có  kiến thức cần cập nhật và/hoặc  nâng cao thì  người ta sẽ đưa vào các sách tham khảo dành cho những người có quan tâm.

Khi đã có chuẩn kiến thức và chương trình thống nhất ở cấp quốc gia thì việc biên soạn một hay nhiều bộ sách giáo khoa không còn là vấn đề phải tranh luận nữa vì ai biên soạn cũng phải xoay quanh chuẩn kiến thức và chương trình qui định đó . Lúc này ,  việc biên soạn sách riêng cho từng vùng, từng địa phương lại là cần thiết và được khuyến khích vì nó phù hợp tập quán và điều kiện kinh tế , văn hóa, xã hội  của địa phương.

Đối với nhà trường, căn cứ vào vào chương trình học qui định sẽ  tiến hành lập thời gian biểu chi tiết cho từng môn học và  chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác (địa điểm, giáo cụ…) phục vụ cho việc dạy học của giáo viên và học tập của học sinh, có tính đến các điều kiện cụ thể của trường , của địa phương,.

Đối với giáo viên, với vai trò là người truyền thụ kiến thức, phải tìm ra các phương thức sinh động nhất, hiệu quả nhất để  truyền đạt kiến thức theo chuẩn qui định đến từng học sinh thân yêu của mình thông qua các bài giảng trên lớp. Giáo án lên lớp của giáo viên và bài giảng của họ chính là SGK. Họ không bắt buộc phải dạy theo bất kỳ cuốn SGK nào.

Đối với học sinh, khi đã có mục tiêu học tập rõ ràng (để đạt chuẩn kiến thức theo chương trình qui định), việc học sẽ trở nên chủ động. Học sinh có thể tiếp nhận kiến thức từ bất kỳ nguồn nào miễn cuối cùng là đạt chuẩn. Điều đó tạo ra sự đa dạng về môi trưòng học tập (học trường công, trường tư, giáo dục từ xa…),  phương  thức học tập ( học thầy, học bạn, học qua SGK, qua internet…) và tạo ra sự bứt phá trong mỗi cá nhân học sịnh (vì thế mới có được những học sinh 10-12 tuối đã tốt nghiệp PTTH và thi đậu đại học...)

Đặc biệt, việc đánh giá kết quả học tập và thi cử của học sinh  phải căn cứ  tối thượng  vào “chuẩn kiến thức và chương trình phổ thông” đã  qui định chứ không phải “ theo SGK”. Đề thi phải nằm trong chương trình và xuay quanh kiến thức chuẩn. HS có thể giải bài thi theo bất kỳ phương pháp nào mà họ biết miễn là kết quả cuối cùng phù hợp với đáp án. Không được bắt ép học sinh phải giải bài thi tuần tự qua các bước như trình bày trong sách giáo khoa.

Từ những trình bày trên đây, tôi cho rằng: trong khi nền kinh tế chưa phất triển, chuẩn kiến thức và chương trình học của từng cấp /bậc phổ thông còn có nhiều tranh cãi; ranh giới đúng/sai, chính xác/ chưa chính xác về các sự  kiện lịch sử, địa lý, các phạm trù đạo đức,  xã hội, nhân văn… hết sức mỏng manh thì việc có nhiều người biên soạn, nhiều nhà xuất bản phát hành chỉ làm cho trình trạng trên thêm phức tạp.Khó có cơ quan, tổ chức hoặc chuyên gia  nào có đủ uy tín và trình độ có thể làm trọng tài đánh giá một cách “tâm phục khẩu phục được”. Và lúc đó việc lãng phí kiến thức, lãng phí thời gian, của cải của xã hội rảy ra là điều khó tránh khỏi và cuối cùng học sinh và gia đình sẽ gánh hậu quả.

Hinh minh họa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

Xem thêm: http://www.cuanhcuem.net/2013/01/tong-hop-cach-chen-emoticons-threaded-comments-blogspot.html#ixzz2IQmbcy1R Under Creative Commons License: Attribution Non-Commercial